Thời gian gần đây không riêng gì thị trường Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia Asean đang có sự dư thừa về nguồn cung thép. Trong đó, lượng thép có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm số lượng khá lớn.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 6/2019 sản xuất thép của các DN trong nước đạt 2.078.626 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2018 là 1%. Bán hàng đạt 1.870.649 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu thép đạt 384.928, tăng 6,88% so với tháng 5/2019 và xấp xỉ cùng kỳ năm 2018. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, sản xuất thép đạt trên 12.644.00 tấn, tăng 7,7%, bán hàng đạt 11.654.256 tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu thép là 2.460.467 tấn, tăng 6% so với 6 tháng đầu năm 2018.
Trong đó không ít DN trong nước có sản lượng sản xuất cung ứng ra thị trường lớn trong 6 tháng đầu năm 2019 như Tập đoàn Hòa Phát đã cung cấp tổng sản lượng thép cho thị trường đạt hơn 1,34 triệu tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2018, riêng thép xây dựng xuất khẩu của tập đoàn này cũng tăng 35% so với cùng kỳ. Hay như trong 6 tháng năm 2019, nhà máy Formosa Hà Tĩnh cũng đã hoạt động với công suất cao, cung ứng ra sản lượng tổng cộng 2,1 triệu tấn thép HRC, tăng 42% so với cùng kỳ và tham gia xuất khẩu khoảng 20% sản lượng sản xuất…
Đại diện VSA phân tích, từ những số liệu trên cho thấy, trong những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất thép trong nước đã có những chuyển biến tích cực khi cả sản lượng, kim ngạch xuất khẩu và giá cả đều tăng. Sở dĩ có được sự tăng trưởng này chủ yếu là do kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai, đặc biệt việc giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm tạo tiền đề tốt cho tăng trưởng của ngành.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã chi xấp xỉ khoảng gần 5 tỷ USD để nhập khẩu thép các loại. Con số này cũng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 7,2% về lượng và 0,8% về trị giá. Trong đó, số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam thì lượng thép có xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu về nhiều nhất, chiếm 42,4% trong tổng lượng và chiếm 39,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước. Tiếp đến là thép từ thị trường Hàn Quốc đứng thứ 2, chiếm 14,1% và Nhật Bản đứng thứ 3 chiếm 14% trong tổng kim ngạch.
Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian gần đây không riêng gì thị trường Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia Asean đang có sự dư thừa về nguồn cung thép. Trong đó, lượng thép có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm số lượng khá lớn. Cụ thể, theo dữ liệu mới công bố của Hiệp hội Thép thế giới, sản lượng thép thô toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất lịch sử 925,06 triệu tấn.
Trong bối cảnh Trung Quốc tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sản lượng thép của quốc gia này tăng 9,9% lên 492,16 triệu tấn, vượt xa mức trung bình toàn cầu. Chính vì nguồn cung thép thế giới đang dư thừa, trong khi Trung Quốc là một trong những quốc gia đóng góp sản lượng cao nên quốc gia này tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, tạo áp lực nên ngành sản xuất thép trong nước.
Ông Đỗ Duy Thái, chuyên gia trong lĩnh vực thép phân tích, để thúc đẩy nền công nghiệp sản xuất sắt thép trong nước, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho các DN sản xuất sắt thép của nước này. Vì vậy, sau thời gian dài phát triển, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu thép lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ, khiến cho thị trường xuất khẩu của nước này có phần bị hạn chế, thu hẹp lại, nên họ phải tìm cách đẩy nguồn cung dư thừa sang các quốc gia khác với giá cả rất cạnh tranh khiến cho nền sản xuất thép của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng ít nhiều.
Không chỉ đe dọa đến nền sản xuất sắt thép trong nước mà đáng lo ngại hơn là nguy cơ lẩn tránh nguồn gốc, xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu đi nước khác. Đây mới là vấn đề không chỉ các DN trong ngành cần quan tâm và cơ quan quản lý phải có biện pháp phòng ngừa một cách hiệu quả hơn để bảo vệ nền sản xuất trong nước phát triển bền vững hơn.
Nguồn tin: Tạp chí điện tử Tài chính